Phân biệt độ nhạy của loa và chất lượng âm thanh của loa

  • Ngày đăng:
  • Lượt xem: 10765

Thông thường rất nhiều bạn lầm tưởng rằng độ nhạy của loa càng cao thì loa càng tốt, những thông số này chỉ là một trong những nét đặc trưng của loa mà thôi. Độ nhạy không phải là thước đo về chất lượng âm thanh, nhưng nó cho biết bạn cần phối ghép với ampli như thế nào để giúp hệ thống hay hơn.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt độ nhạy của loa và chất lượng âm thanh của loa là gì, và có ý nghĩa ra sao.

Phân biệt độ nhạy và chất lượng âm thanh của loa

Nếu đọc bảng thông số kỹ thuật của bất kỳ loại loa rời (driver) và loa thùng của bất kỳ hãng sản xuất nào, bạn cũng có thể thấy một tính năng mục phổ biến, đó là độ nhạy của loa. Thông số này là kết quả của phép đo số lượng dB đạt được ở khoảng cách 1 mét trước mặt loa được cung cấp tín hiệu có công suất 1 watt với tần số 1KHz. Thông số này chỉ là nét đặc trưng, đặc điểm (specificity) của loa mà thôi, không phải là để đánh giá chất lượng âm thanh như nhiều bạn vẫn nghĩ rằng thông số này nếu càng lớn thì càng tốt. Ngay cả hãng sản xuất cũng mập mờ về thông tin bằng cách bao giờ cũng có chữ “at 1KHZ” theo sau.

Một trong những thông số cơ bản nhưng khá hữu ích khi tham khảo loa là độ nhạy của loa được đo bằng decibel (dB). Đó là con số chỉ ra loa sẽ kêu to đến mức nào trong một mức điện đầu vào.

Độ nhạy của loa có thể đo bằng nhiều cách. Tuy nhiên, ngành công nghiệp audio có một phương pháp tiêu chuẩn chung để độ nhạy ở các loa khác nhau có thể dễ dàng so sánh với nhau.

Nơi lý tưởng nhất để đo thông số này là trong một phòng không có tiếng vọng. Đây là phòng lớn, được cách âm, có các tấm tiêu âm phủ kín mọi bề mặt của tường, trần, sàn để loại bỏ hiện tượng dội âm. Về cơ bản, phòng này phỏng theo một không gian tự do không có giới hạn dội lại, nghĩa là thứ duy nhất được đo là âm thanh phát ra từ loa chứ không có âm thanh dội lại từ tường, sàn, đồ đạc...

Người quan tâm có thể tham khảo các thông số tại speakermeasurements.com bởi đó là nguồn tham khảo cho những muốn biết chính xác loa thể hiện trong phòng lab như thế nào.

Mức điện áp tiêu chuẩn đầu vào là 2,83 volt, được hiểu là tương ứng với 1 watt nếu loa "đánh" với ampli ở mức trở kháng 8 ohm. Công suất ra của loa đo bằng watt được tính bằng công thức bình phương hiệu điện thế / trở kháng. Trong trường hợp này là 2,832 / 8 = 8,0089/8 =1. Nếu trở kháng là 4 ohm thì công suất sẽ là 2 watt.

Sau đó, sẽ phải đo đầu ra của loa thường được nhắc đến bằng mức nén âm thanh (SPL) và thể hiện ở số decibel. Người ta đo bằng cách đặt một microphone ở ngay phía trước loa. Cần chú ý phải đo đúng cùng một khoảng cách cho tất cả các loa, thường là 1 mét. Ở loa 3 đường tiếng, đặt micro ở giữa tweeter và mid, ở loa 2 đường tiếng, đặt micro ở giữa tweeter và mid-woofer.

Ngoài ra, không chỉ đo độ nhạy của loa chỉ ở một tần số rồi cho đó là đủ. Không giống ampli, loa luôn biến đổi trong đáp ứng tần số, có thể là +- 3dB, tùy vào các tần số.

Như vậy, khi nhìn những con số như 2,83V/m, bạn sẽ hiểu hơn về nó: loa được đo bằng điện áp đầu vào 2,83 volt, microphone được đặt cách mặt loa 1 mét. Còn cách viết 2,83V/2m nghĩa là microphone đặt cách mặt loa 2 mét. Ở 2,83V/m, hầu hết các loa sẽ cho output ở khoảng 80-90 dB, mức trung bình khoảng 87dB. Để tiện so sánh, tiếng chuông điện thoại di động có độ nhạy 80dB, tiếng xe tải chạy trên đường là 90dB, tiếng nói chuyện bình thường là 60dB. Do đó, với 2,83 volt, loa cho lượng âm thanh không phải là nhỏ.

Tuy nhiên, trong khi 1 watt có vẻ như tạo ra độ lớn âm thanh đáng kể, một số người có thể nghĩ rằng không có khác biệt lớn giữa 80dB và 90dB. Kỳ thực, chênh lệch 10dB có thể tương đương với việc bạn bật gấp đôi volune. Loa chơi ở mức 90dB nghe to như gấp đôi so với 80dB.

Để tăng output lên khoảng 3dB nữa sẽ đòi hỏi tăng gấp đôi công suất ampli. Như vậy, bạn sẽ nhận ra là cần rất nhiều công suất ampli để đưa loa có độ nhạy thấp lên mức output cao. Đó là lý do tại sao người ta mua ampli công suất thấp đi liền với loa có độ nhạy cao và ampli công suất cao đi với loa có độ nhạy thấp.

Phân biệt độ nhạy và chất lượng âm thanh của loa

Loa là thiết bị chính nằm vụ chuyển hóa năng lượng từ tín hiệu điện của ampli thành âm thanh, có nghĩa là biến đổi điện năng sang từ năng rồi tác động đến màng loa và cho ra âm thanh. Cũng như các thiết bị khác, loa cần có sự tuyến tính giữa đầu vào và đầu ra trải rộng trên toàn giải phổ tần có thể nghe được của con người (từ 20Hz đến 20KHz). Tuy nhiên trên thực tế điều này là không thể, vì chính loa là thiết bị tạo ra sự méo dạng nhiều nhất trong tất cả các thiết bị âm thanh. Dù công nghệ kỹ thuật có tiến bộ cách mấy đi chăng nữa, cũng không bao giờ có thể làm hoàn thiện chất lượng âm thanh của loa đến mức tuyệt đối được. Nhưng công nghệ hiện đại có thể sản xuất ra những cục nam châm cho loa có từ thông rất mạnh, hơn rất nhiều so với khoảng 20 năm trước đây. Lý do này làm cho loa khi ở công suất rất nhỏ (vài watt), nhưng lại tạo ra âm thanh khá lớn, nhưng khi dùng công suất lớn, lúc này sẽ bị hạn chế bởi màng loa nên âm thanh sẽ trở lại bình thường, tỷ lệ thuận với công suất, cho đến đỉnh công suất cực đại (peak) của loa.

Phần trên chỉ mới xét về khía cạnh công suất với một tần số cố định, nhưng xét về khía cạnh đáp ứng tần số thì mới bộc lộ rõ ưu khuyết điểm của loa. Cho dù loa có tốt cách mấy, đồ thị đáp ứng tần số cũng không bao giờ phẳng cả, nhưng về phương diện nào đó, có lẽ vì chưa bao giờ nghe được âm thanh hay tuyệt đối, tai con người vẫn chấp nhận sự méo dạng này của loa. Bởi thế mới có rất nhiều ngôn từ để diễn tả âm thanh như: dầy, mỏng, đục, trong, cứng, mềm... Những loại này hoàn toàn không có trong tự nhiên.

Nếu loa có thông số độ nhạy cao, chưa hẳn đó là loa hay, nếu chỉ đo ở tần số 1KHz (không bao giờ hãng sản xuất đưa ra thông số độ nhạy của toàn giải). Đôi khi còn có tác dụng ngược nữa, vì tần số chuyên dùng cho kỹ thuật đo lường 1KHz là tần số nghe khó chịu nhất đối với tai con người. Nếu loa chỉ nổi bật tần số này (đa số), chắc chắn âm thanh nghe sẽ bị bọng tiếng, cũng như bạn dùng Equalizer nâng tần số này lên vậy.

Tóm lại, thông số độ nhạy không dùng đề đánh giá chính xác về chất lượng loa được, nhất là ở pro-sound. Nó chỉ có thể xác định rằng loa này có độ từ thông cao, hay màng nhún dễ cộng hưởng với tần số 1KHz, thế thôi. Bằng chứng là nhiều thiết bị loa hiện nay, nhờ có công nghệ sản xuất nam châm cao, nên có thông số độ nhạy khá cao, nhưng chất lượng nghe chẳng ra gì cả. Và nhiều loa của thế hệ trước đây, dù nam châm của nó chỉ to bằng cục pin nhỏ, vẫn nghe hay như thường.

Mong rằng với bài viết này, các bạn có thể năm rõ về ý nghĩa giữa độ nhạy và chất lượng âm thanh của loa để có thể chọn được dòng loa tốt đúng với nhu cầu.

Quý khách đang cần sự tư vấn về âm thanh hội trường hãy gọi điện cho chúng tôi để có sự tư vấn tốt nhất. amthanhsankhau.vn luôn đặt chất lượng và uy tín lên hàng đầu. Các giải pháp cho âm thanh sân khấu được Trung Chính Audio (TCA Group) tư vấn luôn là sự hợp lý nhất cho khách hàng.   

Trung Chính Audio  (TCA Group) là đơn vị cung cấp âm thanh sân khấu tại hà nội và toàn quốc

Tin Tức

Đánh giá bài viết

avatar
x